Đối với người Hoa, tục cúng cô hồn hằng năm là một tục lệ quan trọng, dịp cúng lớn nhất là vào tháng 7 âm lịch, trong dịp này người Hoa thường chuẩn bị nhang đèn hương hoa cùng các vật lễ để cúng cho các cô hồn quá vãng, vậy tại sao người Hoa lại thờ cúng cô hồn?
Việc thờ cúng linh hồn người chết tồn tại trong mọi nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Á Đông. Người Hoa đã có truyền thống tín ngưỡng này từ rất lâu đời với sự dung hòa tam giáo Nho – Phật – Đạo trong đời sống càng làm cho niềm tin này thêm mạnh mẽ.
Theo quan niệm dân gian, người sống là do phần xác và phần hồn kết hợp lại, phần xác là phần vật chất còn phần hồn là phần tinh thần.
Trong quan niệm Phật giáo, con người được tạo thành từ 5 yếu tố gọi là ngũ uẩn (五蘊), thì trong đó “sắc” (色) là yếu tố hữu hình tạo nên thể xác, “thọ” (受); “tưởng” (想); “hành” (行) và “thức” (識) gộp chung lại là các yếu tố vô hình tạo nên phần linh hồn con người.
Trong quan niệm của Đạo giáo ngoài phần xác thì còn tồn tại “tam hồn thất phách” (三魂七魄), riêng phụ nữ đặc biệt hơn lại có 9 phách. Khi chết đi thì chỉ còn phần hồn tồn tại, xác và phách tiêu biến.
Còn Nho giáo bởi quan điểm “Thượng Tôn Nhân Nghĩa” thì việc thờ cúng âm hồn chính là một hình thức tế nghĩa trủng – nghĩa tự, đề cao lòng nhân nghĩa không chỉ giữa những người sống với nhau mà còn là giữa những người đã qua đời, điều này hoàn toàn phù hợp với đạo lý của trời.
Cả ba hệ thống trên tuy có sự lý giải khác nhau nhưng đều cùng có chung một điểm: sau khi thể xác mất đi d6àn theo thờ gian thì vẫn còn linh hồn tiếp tục tồn tại để đầu thai hay đi siêu thoát. Vậy “cô hồn” (孤魂) là gì? Nghĩa đen của từ “cô hồn” có nghĩa là linh hồn cô đơn không nơi nương tựa, là linh hồn người chết không có họ hàng thân thích thờ cúng.
Trong tín niệm của người Hoa thì một người qua đời nằm ngoài quy luật “sinh – lão – bệnh – tử” như chết oan; chết bất đắc kỳ tử; chết mất xác; chết vì tai nạn hay những người chết mà không có người thân thờ cúng thì sẽ trở thành những linh hồn cô độc lang thang khắp nơi, không được siêu thoát.
Vì những vong hồn này mang oán khí quá nhiều hoặc do không có người thờ cúng mà bị đói khát, lạnh lẽo, thường phải lang thang vất vưởng gieo rắc sợ hãi cho người sống. Trong quan niệm của Đạo giáo còn tin rằng những vong hồn uổng tử do còn sân hận mà trở thành “ôn hồn dịch lệ” gây nhiễu loạn khắp nơi.
Cho nên các nghi lễ cúng cô hồn của người Hoa theo nghi thức thuần túy Đạo giáo thường mang ý nghĩa giải trừ, tống ôn, ngăn chặn sự quấy phá của cô hồn.
Trái lại những người Hoa theo Phật giáo sẽ quan niệm rằng việc cúng bái để xoa dịu những cô hồn đói khát, không nơi nương tựa, trì chú niệm kinh để độ cho các âm hồn cô đơn sớm ngày siêu thoát.
Trong Kinh điển Đại thừa của Phật giáo có nêu ra 6 nguyên nhân dẫn đến cái chết khiến vong linh một người khó siêu thoát, cho nên việc cúng siêu độ cho cô hồn theo nhiều tăng – ni không phải là chỉ để cho cô hồn được no bụng, mà là thể hiện lòng tưởng nhớ, sự từ bi với những linh hồn cô độc, cảm hóa và trì tụng giúp họ sớm buông bỏ oán hận, luyến tiếc mà được siêu thoát, đầu thai.
Người Hoa hiện hay kết hợp cả hai loại ý thức này trong tục cúng cô hồn, một mặt vừa mong cầu những âm hồn quá vãng sớm được giải thoát, mặt khác cũng là ngăn ngừa những tác động xấu của thế giới người âm đến thế giới người dương.
Tục cúng cô hồn của người Hoa thể hiện tinh thần cảm thông “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, linh hồn cũng cần có nhu cầu như người còn sống, cho nên việc cúng tế cô hồn chính là sự đồng cảm, thương xót đối với những linh hồn cô đơn, lạnh lẽo không người nương dựa, tục cúng cô hồn của người Hoa chính là sự san sẻ với những bất hạnh của các âm hồn và mong cầu sự siêu thoát cho người đã khuất, đồng thời cũng là vọng nguyện bình yên cho người thân, gia đình.