Ranh Giới Giữa Cảm Xúc Và Sự Quấy Rầy

0
235

Khóc là một hiện tượng vận tiết phức tạp được biểu thị bởi việc chảy nước mắt từ bộ phận tuyến lệ. Theo trang Healthline, khi nói đến việc khóc, không phải tất cả những giọt nước mắt đều mang ý nghĩa giống nhau. Nước mắt cơ bản giúp bảo vệ đôi mắt của bạn và giữ cho chúng được bôi trơn.

“Nước mắt chảy ra theo phản xạ để rửa sạch khói, bụi và bất kỳ thứ gì khác có thể gây kích ứng mắt của bạn. Nước mắt cũng có thể là biểu hiện của xúc động, thường được kích hoạt bởi cơn thịnh nộ, niềm vui hoặc nỗi buồn hay sự sợ hãi”.

Trong điện ảnh, khóc chứa đựng sức lan truyền cảm xúc mạnh mẽ, kết nối từ thế giới tác phẩm tới bản thân người tiếp nhận. Tại điểm cao trào của xúc cảm, niềm hạnh phúc hay nỗi đau thường mang một hiện thân cụ thể.

Với diễn viên, khóc không chỉ là tạo ra nước mắt đơn thuần. Đó phải là cách thức họ sử dụng ngôn ngữ biểu đạt này để phóng đẩy sự thâm nhập và đồng cảm của khán giả hòa vào trải nghiệm cảm giác mà vai diễn tạo ra, dưới đa dạng hình thức biểu hiện.

Lằn ranh giữa cảm xúc và “nghệ thuật rỗng”

Dễ thấy, những giọt nước mắt đắt giá của diễn viên chỉ rơi vào khoảnh khắc lắng đọng của nghệ thuật, vì ở đó, chính kết tinh của cảm xúc tạo nên linh hồn cho vai diễn. Bằng cách khơi dậy nỗi đồng cảm, “hiện diện của nước mắt trở thành bất hủ, nuôi dưỡng sức sống của tác phẩm, đánh thức ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ về giá trị biểu hiện của ngôn ngữ điện ảnh”.

Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên các đạo diễn lựa chọn kết cục buồn cho nhân vật trong tác phẩm của mình.

Dẫu nước mắt là phương tiện truyền tải và kết nối cảm xúc, điều này không đồng nghĩa với việc chỉ cần diễn viên “khóc”, khán giả phải có trách nhiệm “đồng cảm”. Họ, những người cảm nhận, có quyền được từ chối khi những gì nghệ sĩ thể hiện đơn thuần là thứ “cảm xúc rỗng” ẩn danh dưới vỏ bọc nghệ thuật, đặc biệt là việc lạm dụng các tình tiết cảm động, lấy nước mắt hòng chiếm đoạt cảm tình của khán giả mà trong điện ảnh, người ta gọi chung bằng thuật ngữ “Catharsis”.

Từng có những cuộc tranh luận bùng nổ trong giới phê bình tại Hollywood vào những thập niên 80, 90 về tác dụng và phản tác dụng của trường phái này. Đa số nhận định chỉ ra rằng: một giọt nước mắt trên má diễn diễn viên sẽ khiến người xem đổ lệ, nhưng việc lạm dụng quá nhiều trên màn ảnh có thể dẫn tới lê thê và khiến người xem bối rối, khó chịu.

“Đối với thế hệ của tôi, đó là một tư duy cổ lỗ, lạc hậu, nhấn mạnh quá nhiều đến chức năng thanh tẩy, đề cao hay lạc quan hóa giá trị của nước mắt trong nghệ thuật. Cảnh khóc lóc có thể khiến tôi cảm động, nhưng cũng có thể khiến tôi cảm giác bị quấy rầy, hoặc thậm chí là đau khổ một cách thừa thãi. Có khá nhiều bộ phim xây dựng theo kiểu như vậy, tạo dựng cảm xúc một cách ẩu đoảng, xơ rối và phi nghệ thuật”, nhà phê bình Adrian Martin chia sẻ.

Tiêu biểu, có thể kể tới những cái tên như Interiors (1978) của Woody Allen, The Crying Woman (1979), hay vai diễn Jane Campion (Nichole Kidman) của The Portrait of a Lady (1996). Đều có kịch bản hay, dàn diễn viên năng lực nhưng điểm chung của các tác phẩm này là việc sử dụng Carthasis phi lý, không phù hợp với bối cảnh, diễn biến tâm lý và câu chuyện của nhân vật. Chính điều đó đã khiến phim trở nên thê lương một cách lãng nhách, không tạo được thiện cảm cho khán giả và cả giới phê bình.

“Một hương vị ngon khó đọng lại trên cuống lưỡi của kẻ thích ăn xổi”. Dù là con đường ngắn nhất để chinh phục trái tim, những cảnh phim khóc lóc nếu không được xử lý khéo léo mà trở nên gượng ép, dàn trải trên chất liệu cảm xúc khô khan cũng khó lòng có thể chiều chuộng được khẩu vị của những khán giả tinh nghề.

Đặt những tranh cãi về một cá nhân sang một bên, khi đi sâu vào nghệ thuật điện ảnh, chủ đề “nước mắt” là một nội hàm thú vị. Đôi khi tài năng của người diễn viên thể hiện ở việc làm chủ tuyến lệ. Không tạo ra được sự đồng cảm về cảm xúc sẽ là một thất bại nhưng quá lạm dụng nước mắt cũng là biểu hiện của nghiệp dư trong kỹ nghệ diễn xuất.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here