Theo bà Pierce, Nữ hoàng Elizabeth II không hề thực hiện bất kỳ hành động điều hành nào, cũng như bản thân không phải là một quan chức chính phủ.
“Nữ hoàng là một vị quân chủ lập hiến. Do vậy, bà ấy không phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những gì đã xảy ra. Chúng ta không thể giả vờ như có một dòng lịch sử khác. Điều chúng ta cần làm là đối mặt với lịch sử, bao gồm tất cả những điều tốt đẹp và đen tối của nó”, Đại sứ Anh tại Mỹ nhấn mạnh.
Theo hãng tin CNN, nhận định trên của Đại sứ Pierce được đưa ra trong bối cảnh có nhiều chỉ trích gần đây nhằm vào Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng gia Anh vì đã “làm mờ một phần sự thật lịch sử”.
Vua Charles III ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II, cam kết cống hiến cả đời vì dân Anh
Mở đầu bài phát biểu tối 9/9, Vua Charles đã bày tỏ sự kính trọng vô ngần dành cho mẹ mình – Nữ hoàng Elizabeth II. Ông tuyên bố: “Trong suốt cuộc đời của mình, Nữ hoàng – người mẹ yêu dấu của tôi là nguồn cảm hứng và tấm gương cho tôi và tất cả gia đình tôi. Chúng tôi nợ bà món nợ sâu nặng nhất mà bất kỳ gia đình nào có thể nợ mẹ của họ”.
Theo vị tân vương 73 tuổi, mẹ ông đã sống một cuộc đời tuyệt vời và tạo nên niềm tiếc thương vô hạn khi rời trần thế. Nữ hoàng quá cố từng thề “cống hiến cả đời để phụng sự quốc dân” vào ngày sinh nhật lần thứ 21 năm 1947.
“Đó còn hơn cả một lời hứa. Đó là một cam kết cá nhân sâu sắc, định hình toàn bộ cuộc đời của Nữ hoàng. Bà đã hy sinh vì trọng trách. Bà chưa bao giờ từ bỏ sự tận tâm và tận tụy của mình trên cương vị quốc vương, qua những thời kỳ đổi thay và tiến bộ, các giai đoạn hân hoan và ăn mừng cũng như những thời kỳ buồn đau và mất mát”.
“Khi Nữ hoàng lên ngôi, nước Anh và thế giới vẫn đang phải đương đầu với những khó khăn và hậu quả của Thế chiến thứ hai cũng như vẫn sống theo những hiệp ước của các thời đại trước đó. Trong 70 năm qua, chúng ta đã chứng kiến xã hội của mình trở thành một xã hội quy tụ nhiều nền văn hóa và nhiều tín ngưỡng.
Các cơ quan nhà nước đã lần lượt thay đổi. Song, trải qua tất cả những đổi thay và thử thách, quốc gia của chúng ta và đại gia đình các địa hạt rộng lớn hơn, với các tài năng, truyền thống và thành tựu tôi vô cùng tự hào, đã trở nên thịnh vượng và phát triển. Các giá trị của chúng ta vẫn còn đó và phải trường tồn, tiếp nối”, Vua Charles nhấn mạnh.
Theo nhà vua, “tình cảm, sự ngưỡng mộ và tôn trọng” do Nữ hoàng truyền cảm hứng “đã trở thành dấu ấn cho triều đại của bà”. Nữ hoàng đã “kết hợp những phẩm chất này với sự ấm áp, hài hước và khả năng luôn nhìn ra những điều tốt đẹp nhất ở con người”.
Nhiều nguyên thủ thế giới xác nhận dự lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II
Lễ tang cấp quốc gia của Anh dành cho Nữ hoàng Elizabeth II dự kiến được tổ chức vào khoảng ngày 19/9 tại Tu viện Westminster, nơi từng diễn ra lễ đăng quang của bà vào tháng 6/1953.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/9 đã lên tiếng xác nhận sẽ đến dự tang lễ. Ông mô tả nữ hoàng quá cố như “sự hiện diện bền vững và là nguồn an ủi, niềm tự hào cho các thế hệ người Anh”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cũng báo hiệu ý định đến Anh để đưa tiễn nữ hoàng về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông Erdoğan chia sẻ với các phóng viên rằng ông biết Nữ hoàng và đã gặp bà 2 lần tại Điện Buckingham.
Theo báo Guardian, các thành viên cấp cao của các hoàng gia châu Âu, bao gồm cả vua và nữ hoàng từ Tây Ban Nha, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan cũng sẽ có mặt tại Tu viện Westminster để dự tang lễ.
Tuy nhiên, ít nhất một nguyên thủ tiết lộ sẽ vắng mặt. Mặc dù quan hệ giữa Anh và Nga đã bị tổn hại nặng nề do chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn gửi lời chia buồn tới Vua Anh Charles III.
Điện Kremlin ra tuyên bố nhấn mạnh: “Trong nhiều thập kỷ, Nữ hoàng Elizabeth II đã nhận được tình yêu và sự tôn trọng của thần dân cũng như uy quyền trên trường quốc tế. Người Nga kính trọng bà vì sự thông thái”. Song, nhà chức trách Nga nói, khả năng ông Putin dự lễ tang hiện “không được xem xét”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm không báo trước đến đại sứ quán Anh ở Paris hôm 9/9 để ký sổ tang chia buồn về sự ra đi của Nữ hoàng. Đại sứ Anh tại Pháp Menna Rawlings sau đó viết trên Twitter: “Tôi nhiệt liệt cảm ơn Tổng thống Emmanuel Macron vì chuyến thăm đại sứ quán Anh hôm nay để bày tỏ lòng tôn kính với Nữ hoàng Anh nhân danh người dân Pháp. Những lời nói và tuyên bố của ông ấy đã khiến chúng tôi cảm động sâu sắc và đi thẳng vào trái tim chúng tôi”.
Bob Broadhurst, cựu chỉ huy cảnh sát thủ đô Anh nhận định, lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II gần như chắc chắn sẽ kéo theo các hoạt động an ninh lớn nhất từ trước tới nay ở xứ sở sương mù. Hãng thông tấn PA dẫn lời ông Broadhurst cho biết: “Trên thực tế, mọi quốc gia trên thế giới đều muốn đưa vua, hoàng hậu, thủ tướng hoặc tổng thống của họ đến dự lễ tang”.