Ngày lễ tình nhân của các nước phương Tây là ngày Valentine 14/2. Vậy bạn có biết ngày lễ tình nhân của Quốc là ngày nào không? Chính là lễ Thất tịch 7/7 hằng năm đấy. Cùng theo chân Ablersite để xem ngày lễ thất tịch ở các nước thuộc Châu Á có gì đặc biệt nhé.
Trung Quốc
Thất là “七 – bảy”, tịch là “夕 – chiềutối”. Vậy Thất Tịch có nghĩa là Chiều Tối Ngày Mồng 7 Âm Lịch. Lễ thất tịch hay còn gọi là lễ Khất Xảo diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng của Trung Quốc.
Cùng với sự phát triển mở rộng giao lưu văn hóa của xã hội, lễ thất tịch dần dần trở thành ngày lễ tình nhân của các nước phương Đông.
Ngày Thất Tịch ở Trung Quốc là dịp để các thiếu nữ cầu nguyện, mong chờ những điều tốt lành trong tình yêu và hôn nhân. Người dân Trung Quốc quan niệm rằng, nếu các cặp đôi yêu nhau cùng ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ vào ngày lễ Thất Tịch thì sẽ ở bên nhau mãi mãi.
Ngoài ra, giới trẻ cũng tin rằng những người cô đơn khi ăn chè đậu đỏ trong ngày này sẽ sớm tìm được nửa kia, cũng là một cách cầu may mắn, suôn sẻ trong tình yêu.
Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, Lễ Thất Tịch được biết đến với cái tên Chilseok. Vào ngày này, người Hàn Quốc có truyền thống đi tắm để cầu có sức khỏe tốt. Người dân tổ chức diễu hành, những trò chơi đường phố để cảm tạ trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngoài ra, họ cũng thưởng thức những món ăn làm từ lúa mì như bánh mì bột mì, bánh mì nướng, bánh kếp lúa mì hoặc bánh dày phủ đậu đỏ.
Nhật Bản
Ngày Thất tịch du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8, còn được gọi là lễ Tanabata. Theo phong tục, người dân sẽ xếp giấy thành hình để trang trí hoặc tặng nhau để chúc may mắn, tốt lành.
Họ cũng sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để mong ước những điều may mắn, vụ mùa bội thu và cầu cho sự thịnh vượng, phát triển.
Trong ngày này, người trẻ ở Nhật cũng cầu nguyện để sớm tìm được một nửa như ý. Những đôi lứa đang yêu sẽ đến chùa, đền thờ với mong muốn có tình yêu bền chặt, hạnh phúc.
Việt Nam
Tại Việt Nam, thời tiết tháng 7 âm lịch thường có mưa ngâu, tương truyền rằng đây là những giọt lệ của vợ chồng Ngâu, nên dân gian còn có tên gọi khác là ngày ông Ngâu bà Ngâu.
Vào ngày này, các cặp đôi yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt, chuyện tình yêu sẽ được hạnh phúc viên mãn.
Với những người độc thân, việc đi chùa cầu may cũng để sớm tìm được ý trung nhân. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người cầu sức khỏe, tài lộc và bình an cho bản thân và gia đình.
Những năm gần đây, giới trẻ có phong trào ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch. Trên thực tế, hạt đậu của Việt Nam cũng có sự khác biệt so với hồng đậu – một loại đậu bản địa có hình trái tim, cứng như gỗ nghiến, màu đỏ tươi ở Trung Quốc.
Ý nghĩa của ngày lễ Thất Tịch
Ngày lễ thất tịch ở các nước ban đầu là ngày lễ dân gian để tưởng nhớ vị tiên nữ thứ bảy Chức Nữ. Theo truyền thuyết, Chức Nữ là tiên nữ đảm nhận việc thêu thùa, dệt vải. Nàng cũng là người đầu tiên đã phát hiện ra tơ tằm.
Ngày lễ thể hiện sự tôn kính của con người với thiên nhiên và những người phụ nữ giỏi giang. Cũng là ngày toàn thể nữ nhi cầu nguyện với đất trời những điều tốt lành sẽ đến với mình trong tình yêu và hôn nhân.
Truyền thuyết còn gắn ngày này với tình yêu vô cùng cảm động, vượt qua ranh giới thần – người. Sau này ngày lễ thất tịch trở thành ngày lễ tình nhân của người dân Trung Quốc nói riêng và một số nước Đông Á nói chung.