Theo các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng, uống nước rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, việc này chỉ phát huy tác dụng khi bạn uống đủ nước và uống đúng cách. Những sai lầm khi uống nước có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ bạn. Vậy những sai lầm đó là gì? Cùng Alber tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Nội dung bài viết:
Vừa ăn vừa uống nước
Nhiều người có thói quen uống nước trong khi dùng bữa vì họ cảm thấy như vậy thức ăn sẽ xuống nhanh hơn. Thế nhưng thói quen này lại ảnh hưởng đến khả năng làm việc của hệ tiêu hoá. Khi chúng ta ăn, dạ dày sẽ tiết ra axit hydrochloric để phá vỡ thức ăn. Nước sẽ làm trôi đi dịch vị và cản trở đến quá trình tiêu hoá. Không chỉ vậy, bạn còn có thể gặp tình trạng đầy hơi, khó tiêu.
Tốt nhất, bạn nên uống nước trước khi ăn hoặc sau khi ăn từ 30 phút đến 1 tiếng nhé.
Không uống nước khi thức dậy
Khi bạn ngủ, các cơ quan trong cơ thể vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, cơ thể bạn lại không được cấp nước trong thời gian này. Chính vì thế, các chuyên gia sức khoẻ thường khuyến cáo rằng bạn nên uống một cốc nước khi tỉnh dậy.
Thời điểm thức dậy buổi sáng là lúc các chất thải cơ thể cần được rửa sạch. Uống nước ngay khi thức dậy sẽ góp phần vào quá trình thải độc. Ngoài ra, cơ thể bạn sẽ được cấp nước sau một khoảng thời gian dài.
Khi khát mới uống nước
Một số người chỉ uống nước khi thấy khát. Họ chỉ cảm thấy thực sự cần nước khi cơ thể đang kêu gào. Đợi đến lúc này thì các tế bào cơ thể đang thiếu nước trầm trọng rồi đấy. Thiếu nước trong một thời gian dài sẽ làm tăng độ đặc của máu. Từ đó, cơ thể dễ mắc các bệnh về huyết quản hay tim mạch.
Việc không thường xuyên nạp đủ nước cho cơ thể sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Lâu dần việc này sẽ trở thành thói quen khó sửa đổi. Do vậy, vì sức khoẻ chính mình, hãy nhắc nhở bản thân nạp đủ nước mỗi ngày nhé.
Thường uống nước lạnh
Uống nước lạnh sẽ đem lại cảm giác sảng khoái hơn cho con người, đặc biệt vào mùa hè. Tuy nhiên, thói quen này lại ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của bạn đấy. Điển hình là nước lạnh có thể khiến bạn mắc một số bệnh như viêm họng, ho,…. Ngoài ra, nước lạnh có thể làm giảm hoạt động của các tuyến tiết dịch. Từ đó, cổ họng sẽ trở nên khô rát hơn.
Không những vậy, nước lạnh còn có khả năng làm các vi mạch máu trong dạ dày bị co thắt đột ngột. Chức năng tiêu hoá cũng vì đó mà suy giảm. Bạn có thể mắc một số bệnh như đau bụng, tiêu chảy.
Uống nước ồ ạt
Nhiều người có thói quen uống nước vào một thời điểm trong ngày, chẳng hạn như chỉ uống vào buổi sáng. Hay những người tập luyện thể thao thường có thói quen uống rất nhiều vào lúc mệt.
Theo các chuyên gia, thói quen này là kẻ thù vô hình với sức khoẻ của chính bạn đấy. Nó sẽ cản trở đến quá trình tiêu hoá và gây ra một số triệu chứng như tim đập loạn, buồn nôn, nôn, chuột rút… Nạp một lượng nước lớn trong một lúc sẽ khiến các tạp chất trong thận và bàng quang tích tụ bên dưới. Vì thế, hãy uống từng ngụm vừa phải và chia ra thành nhiều khung giờ. Bạn không nên uống quá 900 ml nước mỗi giờ.
Uống quá nhiều nước
Lượng nước cần nạp sẽ phải phụ thuộc vào cân nặng, tần suất hoạt động của bạn. Do đó, không phải cứ uống nhiều nước là tốt. Uống quá nhiều so với những gì cơ thể cần có thể dẫn đến tình trạng đau đầu, chóng mặt, rối loạn về điện giải…
Khi cơ thể hấp thụ nhiều nước hơn so với nước bài tiết ra, độ natri trong máu sẽ bị pha loãng. Thường xuyên nạp quá nhiều nước có thể dẫn đến suy thận, ảnh hưởng tiêu hoá, tổn thương não.
Uống đầy đủ nước luôn được khuyến cáo là một trong những phương pháp giúp tăng cường sức khoẻ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hữu dụng khi bạn biết uống đúng cách. Bạn có mắc phải những sai lầm trên đây hay không? Nếu có thì hãy sửa đổi ngay vì sức khoẻ bản thân nhé.